Công tác thiết kế kết cấu là công việc chịu áp lực và trách nhiệm nghề nghiệp cao nhất trong tư vấn thiết kế xây dựng. Không như kiến trúc sư hay bay bổng với những ý tưởng sáng tạo của mình, kỹ sư thiết kế kết cấu phải làm việc với những con số và bảng tính rất phức tạp để cho ra những kết quả chính xác.
Việc đầu tiên của công tác tư vấn thiết kế kết cấu nhà cao tầng là lựa chọn hệ kết cấu chịu lực để thiết kế: thiết kế kết cấu khung chịu lực, thiết kế kết cấu khung vách, thiết kế kết cấu ống/trụ chịu lực … Việc quyết định hệ kết cấu chịu lực và lựa chọn vị trí lõi thang máy, lõi thang bộ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng thiết kế kiến trúc mà đôi khi xãy ra rất nhiều xung đột giữa kiến trúc sư và kỹ sư kết cấu mà phải mất khá nhiều thời gian để đi đến phương án thống nhất dung hòa giữa hai bộ môn.
Việc lựa chọn hệ chịu lực kết cấu hợp lý về mặt cấu tạo, tốt nhất là hệ kết cấu đối xứng cả hai phương, sẽ dẫn đến các cấu kiện kết cấu của công trình sẽ được phân bố nội lực đồng đều, tận dụng hết khả năng chịu lực của vật liệu thiết kế kết cấu và có hệ số an toàn cao không những dưới tác động của các tải trọng cơ bản mà còn có khả năng tự phân bố lại nội lực một cách an toàn dưới tác động của các tổ hợp lực đặc biệt như gió động, động đất, cháy nổ …
Trách nhiệm và tài năng của kỹ sư thiết kế kết cấu không chỉ là việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kết cấu chịu lực của công trình mà còn là việc tiết kiệm chi phí thi công trong việc lựa chọn các giải pháp thiết kế kết cấu từ việc chọn mác bê tông, cường độ thép đến giải pháp móng và biện pháp thi công tầng hầm. Các giải pháp khác nhau có thể dẫn đến chi phí chênh lệch vài chục đến vài trăm tỉ đồng cho các dự án tổ hợp nhà cao tầng là chuyện bình thường.
Các công trình nhà cao tầng xây chen trong các khu trung tâm thành phố có địa chất cát pha sét là có nhiều phương án khả thi về kết cấu phần ngầm nhất mà kỹ sư thiết kế kế cấu cần phải cân nhắc. Việc tính toán tất cả các phương án khả thi và lựa chọn phương án kinh tế nhất là công việc phải làm của kỹ sư thiết kế kết cấu.
Công tác tư vấn thiết kế kết cấu còn phải chịu một áp lực rất cao về thời gian. Kỹ sư thiết kế kết cấu bắt đầu tính toán sau khi phương án kiến trúc đã được phê duyệt. Việc nhập tải trọng bắt đầu từ mái xuống móng, nhưng trong khi kiến trúc còn chưa quyết định hết công năng của từng khu vực thì đơn vị thi công yêu cầu cần phải có bản vẽ móng để bắt đầu công tác thi công cọc thí nghiệm rồi cọc đại trà, nhằm rút ngắn thời gian thi công công trình. Vậy nên có thể nói công tác thiết kế kết cấu là việc “đi sau nhưng phải về trước” so với thiết kế kiến trúc và đồng thời phải chạy song hành với công trường thi công trong giai đoạn làm phầm ngầm rất căng thẳng ban đầu. |